Ở Việt Nam Gout đứng hàng thứ 4 các bệnh nội khoa thường gặp. Gout gây cho người bệnh các cơn đau rất khó chịu, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng sớm, nặng nề. Các triệu chứng lâm sàng chính là viêm khớp do gout, hạt tophi, bệnh thận do gout và sỏi tiết niệu. Bệnh thường gặp ở các nước phát triển, với 95% là nam giới, trung niên (30-40 tuổi).

            Gout là bệnh khớp vi tinh thể, do rối loạn chuyển hoá các nhân purin, có đặc điểm chính là tăng acid uric (AU) máu, gây lắng đọng tinh thể monosodium urat ở các mô.

Đa số các trường hợp là gout nguyên phát, chiếm tỷ lệ > 95% trường hợp tăng acid uric máu và gout. Do đó, thông thường khi nói đến gout là nói đến gout nguyên phát. Gút thứ phát: Chiếm tỷ lệ 2-5% các trường hợp gout.

Nguyên nhân gây nên bệnh gout:

Hai nguyên nhân chính là suy thận mạn tính và sử dụng thuốc lợi tiểu.

benh-gout
Biểu hiện của bệnh gout
  • Nguyên nhân: còn chưa rõ, có thể do di truyền và thức ăn.
  • Yếu tố di truyền với tính chất gia đình, 1/3 bệnh nhân gout có cha mẹ bị bệnh gout.
    Yếu tố thức ăn: bệnh khởi phát thường do ăn và uống quá nhiều bia, rượu
  • Rượu bia: bia chứa nhiều purin có nguy cơ cao nhất. Ethanol tăng sản xuất acid uric do đẩy nhanh chu chuyển adenosine triphosphate (ATP). Uống rượu vang số lượng trung bình không làm tăng nguy cơ gout. Nguy cơ gout tăng gấp 2 lần nếu lượng rượu uống 30-50g/ngày.
  • Thức ăn: ăn nhiều hải sản làm tăng 50% nguy cơ gout, ăn nhiều thịt tăng 40% nguy cơ gout. Dùng các thực phẩm giàu purin như bột kiều mạch, đậu Hà lan, nấm, đậu lăng, rau bina, súp lơ không làm tăng nguy cơ gout. Dùng sữa hay sữa chua làm giảm nồng độ urat huyết thanh. Chế độ ăn trong gout làm giảm nồng độ acid uric máu 10 mg/l.

Triệu chứng bệnh gout: .

Gút tiến triển qua 3 giai đoạn: tăng acid uric máu không có triệu chứng; đợt gout cấp, xen kẽ bởi các đợt không có triệu chứng; và gout mạn tính.

1)  Tăng acid uric máu không có triệu chứng

Hầu hết bệnh nhân tăng acid uric máu không có triệu chứng trong suốt cuộc đời. Nguy cơ gout cấp hay sỏi urat thận tăng lên khi nồng độ acid uric máu tăng cao. Trong hầu hết các trường hợp gout xuất hiện sau 20 năm tăng acid uric máu. Khoảng 10-40% bệnh nhân gout có cơn đau quặn thận trước khi xảy ra đợt viêm khớp đầu tiên.

2)  Gút cấp tính

Đợt gout cấp đầu tiên thư ờng khởi phát trong độ tuổi 40-60 ở nam giới và sau 60 tuổi ở nữ giới.Viêm một khớp gặp trong 85% – 90% trường hợp khởi phát gout với khớp bàn ngón chân cái thường bị viêm nhất.

  • Khởi phát viêm đa khớp chỉ gặp trong 3% – 14% trường hợp. Viêm khớp cấp tính thường gặp ở chi dưới, dù bất kỳ khớp nào ở bất kỳ chi nào đều có thể bị.
  • Các vị trí có thể viêm là mắt cá chân, gót chân, gối, cổ tay, ngón tay, khuỷu tay. Đợt gout cấp ít gây tổn thương khớp vai, háng, cột sống, khớp cùng chậu, khớp ức đòn, khớp cùng vai đòn, khớp thái dương hàm.
  • Hoàn cảnh xuất hiện: cơn xuất hiện tự phát hoặc: sau một bữa ăn nhiều chất đạm hoặc uống rượu quá mức; một chấn thương…
  • Tiền triệu: có thể có một số triệu chứng xảy ra trước khi có cơn gout cấp mà một số bệnh nhân có thể tự nhận biết: đau đầu, trạng thái kích thích, mệt mỏi, đau thượng vị, táo bón, ợ hơi, đái nhiều, đái rắt,  đặc biệt là các triệu chứng tại chỗ: khó cử động chi dưới, nổi tĩnh mạch, tê bì ngón chân cái.
  • Thời điểm khởi phát: cơn khởi phát đột ngột vào nửa đêm.
    Tính chất: khớp đau ghê gớm, bỏng rát, thường xuyên đau đến cực độ, đau làm mất ngủ, mất ngủ càng tăng thêm do tăng cảm giác đau của da. Đau chủ yếu về đêm, ban ngày có giảm đau. Thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, đôi khi sốt 38-38,5 độ C, có thể kèm rét run. Đau tăng về đêm trong 5-6 đêm tiếp đó. Ban ngày đau giảm dần, có thể hết đau hoàn toàn vào ban ngày.
  • Đáp ứng với điều trị: nhạy cảm với colchicine, các triệu chứng viêm thuyên giảm hoàn thoàn sau 48 giờ

3)  Xét nghiệm acid uric (AU) máu

  • AU máu tăng cao: nam trên 70 mg/l (420 μmol/L), nữ trên 60 mg/1 (360 pmol/L).
  • Nếu AU máu bình thường, cần làm lại trong nhiều ngày liên tiếp, và không nên dùng thuốc hạ AU.

4) Chế độ ăn uống, sinh hoạt

  • Giảm kalo, đạt trọng lượng cơ thể ở mức sinh lý.
  • Ăn chế độ giảm đạm. Thịt ăn không quá 150g/ngày. Tránh thức ăn giàu purin (phủ tạng động vật, tôm cua, cá béo, thịt bê, đậu hạt các loại…). Có thể ăn trứng, sữa, hoa quả. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Cố gắng bỏ hoàn toàn thức uống có cồn (bia, rượu). Tránh trà, cà phê. Uống nhiều nước, đặc biệt nước khoáng kiềm khoảng 2 lít/ngày.
  • Tránh lao động quá mức, tránh các yếu tố có thể khởi phát cơn gout như chấn thương…