Việc tắm cho trẻ sơ sinh trở thành một thử thách đối với các bậc cha mẹ, đặc biệt là những cặp vợ chồng lần đầu được lên chức. Họ băn khoăn không biết trẻ sơ sinh nên tắm lúc mấy giờ, không nên tắm vào thời điểm nào, tắm như thế nào và phải lưu ý những gì? Bài viết này sẽ giúp bạn đọc giải đáp tất tần tật những thắc mắc trên của cha mẹ có con là trẻ sơ sinh.

Sự cần thiết của việc tắm cho trẻ sơ sinh

Việc tắm cho trẻ sơ sinh hàng ngày rất cần thiết và quan trọng trong quá trình trẻ phát triển. Theo các nghiên cứu khoa học, quá trình trao đổi chất và bài tiết ở trẻ sơ sinh diễn ra rất nhanh, nhanh hơn ở người trưởng thành. Do đó, việc tắm rửa thường xuyên sẽ giúp trẻ loại bỏ được những loại vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về da liễu cho bé.

Việc tắm cho trẻ sơ sinh là rất cần thiết
Việc tắm cho trẻ sơ sinh là rất cần thiết

Đặc điểm của da bé rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu tố có hại bên ngoài môi trường. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, làn da dính bẩn, các chất bài tiết, lỗ chân lông bị bít tắc trở thành môi trường thuận lợi để vi khuẩn và mầm bệnh xâm nhập, phát triển, lây lan gây bệnh cho bé. Cha mẹ nên chủ động tìm hiểu, lựa chọn các loại sữa tắm dịu nhẹ cũng như cập nhật các kiến thức về tắm cho trẻ sơ sinh để có thể vệ sinh cơ thể bé đều đặn, giữ sạch làn da cũng như bảo vệ sức khỏe bé.

Khi nào có thể bắt đầu tắm cho trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh có thể chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn chưa rụng rốn và giai đoạn phát triển. Ở mỗi giai đoạn, trẻ sẽ có những đặc điểm sinh lý khác nhau. Từ những đặc điểm đó, chúng ta có thể quyết định có nên tắm cho trẻ hay không, nếu có thì với tần suất bao nhiêu, nếu không thì làm cách nào để vệ sinh cho bé.

Giai đoạn trẻ chưa rụng rốn

Vào những đầu tiên sau khi bé chào đời, làn da chưa thực sự ổn định và vô cùng mẫn cảm, đặc biệt phần rốn vẫn chưa rụng là nơi rất thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Các mẹ lưu ý trong giai đoạn này (trong khoảng từ 8 đến 10 ngày đầu sau sinh) do bé chưa rụng rốn, không nên tắm cho các bé.

Vậy trong thời gian này, để vệ sinh cho bé các mẹ nên làm như thế nào? Thay vì tắm, các mẹ chỉ nên lau từng bộ phận trên cơ thể bé (mặt, cổ, tay, chân, nách, các vùng bẹn, đùi, khuỷu tay chân, kẽ ngón tay chân, bộ phận sinh dục vì rất dễ bị hăm) bằng khăn khô được giặt sạch sẽ.

Trẻ sơ sinh chưa rụng rốn nên hạn chế việc tắm rửa cũng như tiếp xúc với nước
Trẻ sơ sinh chưa rụng rốn nên hạn chế việc tắm rửa cũng như tiếp xúc với nước

Lưu ý chỉ sử dụng nước ấm để vệ sinh cho bé và nên lau hàng ngày trong khoảng 4 tuần đầu tiên (vì đây là thời gian cần để rốn của trẻ rụng và khô hẳn, cấu trúc da được hình thành và ổn định), giữ cơ thể bé luôn được sạch sẽ. Tuyệt đối không sử dụng các loại xà bông, sữa tắm hay bất kì hóa chất nào khác để làm sạch da bé khi chưa có sự cho phép của bác sĩ có chuyên môn. Vì các chất làm sạch đó quá mạnh so với làn da của bé, sẽ làm mất đi hàng rào bảo vệ da tự nhiên trong những ngày đầu và làm da bé bị tổn thương, viêm nhiễm.

Giai đoạn trẻ phát triển

Mẹ có thể cho bé tắm trong chậu nước với tần suất 1 hoặc 2 ngày một lần sau 4 đến 6 tuần hoặc cho đến khi rốn của bé đã khô hẳn, để tạo cảm giác thoải mái cho bé. Bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn vì được tắm rửa sạch sẽ, loại bỏ hết các vi khuẩn, các chất độc hại, bụi bẩn trên da, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, trong những ngày chuyển mùa hoặc khi thời tiết chuyển lạnh, có gió, mưa lạnh,… mẹ có thể giảm tần suất tắm cho bé xuống còn 2 đến 3 ngày một lần để tránh cho bé khỏi bị sốc nhiệt, cảm lạnh. Trong khoảng thời gian đó, vì không thể tắm hàng ngày cho bé, mẹ có thể vệ sinh cho bé bằng cách lau khăn sạch thấm nước ấm để giúp bé sạch sẽ, đem lại cảm giác dễ chịu, thoáng mát cũng như ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi trên làn da bé.

Trẻ sơ sinh nên tắm lúc mấy giờ?

Cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến khoảng thời gian tắm cho bé tại nhà để có thể đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn cho sự phát triển của trẻ do đặc điểm cơ thể của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, nhất là với các yếu tố từ môi trường. Khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ sơ sinh chưa thực sự hoàn thiện nên rất dễ bị nhiễm lạnh nếu mẹ chọn thời điểm tắm không thực sự phù hợp (nhiệt độ môi trường và thân nhiệt của bé chênh lệch lớn). Vậy tắm cho trẻ sơ sinh lúc nào là hợp lý?

Cần chọn thời điểm thích hợp để tắm cho bé
Cần chọn thời điểm thích hợp để tắm cho bé

Từ các nghiên cứu cũng như lời khuyên của các bác sĩ, chuyên gia, khung giờ tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà thích hợp thay đổi theo các buổi trong ngày, cụ thể là:

  • Buổi sáng : Khung giờ hợp lý để tắm cho bé là sau 9 giờ 30 phút và trước 11 giờ, do đây là khoảng thời gian thân nhiệt của trẻ ổn định và nhiệt độ môi trường đã ấm dần lên, không chênh lệch nhiều với thân nhiệt của bé.
  • Buổi chiều: Khoảng thời gian thích hợp để cha mẹ có thể tắm cho bé là từ 15 giờ đến 16 giờ vì nhiệt độ ngoài trời ở thời điểm này không quá cao cũng không quá thấp.
  • Buổi tối: Theo kinh nghiệm của ông bà ngày xưa thì tuyệt đối không được tắm cho trẻ vào buổi tối vì điều này sẽ khiến trẻ rất dễ bị cảm lạnh, có thể bị ho và chảy nước mũi. Tuy nhiên đã có những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng có thể tắm cho trẻ sơ sinh vào buổi tối nhưng phải trước 21 giờ và có điều kiện đảm bảo nhiệt độ phòng tắm, nước thích hợp. Điều này có thể giúp cho cơ thể bé được thư giãn, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu và giúp bé ngủ ngon hơn.

Không nên tắm cho trẻ sơ sinh vào thời điểm nào?

Tuy nhiên không phải cứ vào khung giờ hợp lý là có thể tắm cho bé. Việc tự tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà còn phụ thuộc vào trạng thái cũng như tình hình sức khỏe của trẻ. Cha mẹ không nên tắm cho bé trong những trường hợp như sau:

  • Khi trẻ đang ngủ: Nhiều người lầm tưởng rằng khi đang ngủ có thể tắm cho trẻ do lúc này trẻ không cựa quậy, quấy khóc nên mẹ có thể dễ dàng vệ sinh cho bé. Nhưng khi ngủ, thân nhiệt của trẻ giảm thấp nên khi tắm vào thời điểm này, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến cảm. Do đó, các mẹ tuyệt đối không tắm khi bé đang ngủ.
  • Không nên tắm cho trẻ ngay sau khi bú: Do khi tắm, trẻ rất dễ quấy, cựa quậy, hoặc những tác động mạnh của mẹ trong quá trình tắm, mặc quần áo khiến bé dễ bị nôn trớ. Vì vậy, mẹ nên đợi bé tiêu hóa lượng sữa (khoảng 2 giờ sau khi bú) để có thể tắm cho bé một cách thoải mái và an toàn.
  • Cha mẹ tuyệt đối không nên tắm cho bé vào lúc đói bụng: Do khi trẻ đói thường dễ quấy khóc, quẫy đạp khiến mẹ khó giữ chắc để tắm. Điều này dễ dẫn đến việc mẹ làm rơi bé, gây nguy hiểm khi tắm. Vậy nên không nên tắm khi bé của bạn có biểu hiện đang đói.
  • Ngoài ra, cha mẹ cần ghi nhớ một số thời điểm không nên tắm cho trẻ như: trẻ đang bị ốm, trẻ đang phát sốt hay cảm lạnh, trẻ mệt mỏi quấy khóc hoặc khi vừa ốm dậy,… Do tại những thời điểm này, hệ miễn dịch của con trẻ thường rất yếu, không ổn định nên rất dễ bị cảm lạnh.

    Không nên tắm cho bé khi đang bị sốt
    Không nên tắm cho bé khi đang bị sốt

Trong những trường hợp này, để đảm bảo vệ sinh cho bé, vừa an toàn với sức khỏe, cha mẹ chỉ nên lau người bằng khăn ấm cho bé hàng ngày.

Các bước tắm cho trẻ sơ sinh an toàn

Vì cơ thể của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và non yếu nên ngoài việc tắm đúng thời điểm, cần nên tắm đúng cách để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho con. Các bước tắm cho trẻ sơ sinh an toàn bao gồm: bước chuẩn bị, bước tiến hành tắm cho bé và bước chăm sóc bé sau khi tắm.

Chuẩn bị trước khi tắm

Trước khi tắm cho bé, mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng và điều kiện sau:

  • Quần áo, tã giấy, khăn, tất chân, bao tay, mũ, bông gòn và cồn 70 độ vệ sinh rốn cho trẻ.
  • Thau tắm chứa nước ấm từ 36- 37 độ C (dùng khuỷu để kiểm tra độ ấm của nước, tránh trường hợp tắm bằng nước quá nóng cho trẻ).
  • Sữa tắm, dầu gội, phấn rôm, dầu thoa dành riêng cho trẻ sơ sinh.
  • Phòng tắm kín gió, đủ ánh sáng, nhiệt độ phòng duy trì trong khoảng 29 – 30 độ C, không bật điều hòa, quạt khi tắm bé (vào mùa đông có thể dùng máy sưởi để làm ấm khi tắm bé).

Thực hiện tắm cho trẻ sơ sinh an toàn

Tiến hành tắm cho bé trải qua những bước cơ bản và một số lưu ý sau:

  • Tư thế tắm cho bé: Khi tắm cho trẻ sơ sinh, nên đặt bé nằm dọc trên cánh tay phải hoặc trái sao cho đầu của bé nằm trọn trong lòng bàn tay, còn phần lưng nằm trên cẳng tay, phần mông đặt lên đùi của người tắm cho trẻ.
  • Rửa mặt: Dùng một chiếc khăn mềm, thấm nước ấm rồi vắt khô, lau nhẹ nhàng vùng mặt, khóe mắt, sống mũi, tai (cả vành tai và sau tai, đây là hai phần dễ tích tụ chất bẩn), vùng cổ cho bé.
  • Gội đầu: Dùng ngón cái và ngón giữa của bàn tay đang đỡ đầu trẻ bịt chặt lỗ tai để tránh nước và xà phòng lọt vào tai bé khi tắm gội. Dùng tay còn lại xoa nhẹ nhàng bằng nước để lấy đi hết chất bẩn, mồ hôi và tế bào chết, sau đó dùng khăn lọc khô da đầu và tóc của bé.

    Dùng tay xoa nhẹ nhàng để gội đầu cho bé
    Dùng tay xoa nhẹ nhàng để gội đầu cho bé
  • Tắm toàn thân: Đến bước này mới cần cởi quần áo và tã để bé không bị nhiễm lạnh. Đặt bé vào chậu tắm, tắm toàn thân cho bé bằng sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh. Các mẹ đặc biệt lưu ý đến các vùng như bộ phận sinh dụng, bẹn, nách, các khuỷu tay, khuỷu chân, kẽ ngón tay chân, mông,… rất tích tụ mồ hôi và khó làm sạch, dễ gây ngứa ngáy, mẩn đỏ cho bé.

Chăm sóc trẻ sau khi tắm

  • Sau khi tắm cho bé xong, mẹ nên nhanh chóng lau khô một cách nhẹ nhàng toàn thân bé bằng khăn mềm sạch. Để giúp bé khỏi bị hăm, sau khi lau khô, mẹ thoa phấn rôm vào các vùng: cổ, nách, ngực, bẹn, mông, khủy tay, khủy chân.
  • Đối với trẻ chưa rụng rốn, sau khi tắm, mẹ nên dùng cồn 70 độ để sát trùng và thay băng rốn cho trẻ một cách nhẹ nhàng. Khi phát hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở vùng rốn như bị sưng tấy, có mủ nên đưa trẻ đến thăm khám và nhận được sự tư vấn, điều trị của các bác sĩ.
  • Cuối cùng, nhanh chóng mặc tã, quần áo, bao tay chân, mũ, khăn sạch cho bé.

Một số lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh

Khi nắm được khung giờ và các bước tắm cho trẻ sơ sinh, mẹ cần ghi nhớ các lưu ý sau để đảm bảo sức khỏe cho con trẻ:

  • Dù vào thời điểm nào, bé cũng chỉ nên tắm khoảng 5-10 phút cho mỗi lần tắm. Cha mẹ nhanh chóng tắm cho trẻ cũng có thể giúp giảm nguy cơ bị cảm lạnh. Sau khi tắm xong nhớ lau khô người cho bé cẩn thận, đặc biệt là ở các nếp gấp của bẹn, cổ, hậu môn vì nước đọng có thể khiến bé bị cảm lạnh và nổi mẩn đỏ.
  • Khi tắm cho bé, các mẹ nên thực hiện trong phòng kín, nhiệt độ môi trường ấm vừa phải. Nước tắm cần có nhiệt độ khoảng 38 độ C. Cha mẹ nên kiểm tra nhiệt độ nước tắm của bé trước khi tắm bằng nhiệt kế hoặc cũng có thể dùng khuỷu tay để thử nhiệt độ của nước cho bé vì phần da này có độ mỏng tương tự như da em bé. Ngoài ra, mực nước trong chậu tắm tấm 7cm là hợp lý.

    Kiểm tra nhiệt độ nước tắm cho trẻ bằng khuỷu tay
    Kiểm tra nhiệt độ nước tắm cho trẻ bằng khuỷu tay
  • Sữa tắm cho bé phải là loại dành riêng cho trẻ sơ sinh, dịu nhẹ với làn da và liều lượng mỗi lần sử dụng vừa phải. Sử dụng nhiều sữa tắm với lượng chất hóa học cao sẽ khiến da bé bị khô và tổn thương.

Tóm lại, thời điểm thích hợp để tắm cho trẻ sơ sinh thay đổi tùy theo từng buổi trong ngày và phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và trạng thái sinh lý của trẻ. Mong qua bài viết này, các bậc cha mẹ đã có thêm kiến thức về vấn đề tắm cho trẻ sơ sinh và đặc biệt trả lời được câu hỏi trẻ sơ sinh tắm lúc mấy giờ.